Lời nói đầu
Ngoại khoa là một nhánh của y học có nhiệm vụ thực hiện những thao tác tay chân trên cơ thể người để chẩn đoán, ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh. Ambroise Paré, một phẫu thuật viên người Pháp ở thế kỷ 16 đã nêu 5 lý do để tiến hành 1 cuộc phẫu thuật là: “Để loại bỏ những thứ không cần thiết, gắn lại những thứ đã bị lệch khỏi chỗ cũ của nó, tách những thứ dính lại với nhau, nối những thứ bị tách ra và sữa chữa những khuyết tật bẩm sinh”.
Ngay từ lúc con người bắt đầu học cách tạo ra và sử dụng các công cụ, họ đã tìm cách sử dụng tài năng của mình để hoàn thiện các kỹ thuật ngoại khoa càng ngày càng tinh vi hơn. Tuy nhiên, cho đến khi cuộc cách mạng công nghiệp xảy ra, các phẫu thuật viên vẫn không thể vượt qua được 3 trở ngại chính gây nguy hiểm cho nền y học ngay từ buổi đầu sơ khai, đó là chảy máu, đau và nhiễm trùng. Những tiến bộ trong các lĩnh vực trên đã biến ngoại khoa thành một “nghệ thuật” đầy nguy cơ trở thành một ngành khoa học có khả năng điều trị nhiều loại bệnh và bất thường khác nhau.
Ngoại khoa đã trải qua rất nhiều cuộc thăng trầm trong lịch sử. Thông thường, các phẫu thuật viên từng chỉ được xem là 1 kỹ thuật viên còn bác sĩ (có mối liên hệ lịch sử nhiều hơn với linh mục và các pháp sư) mới thật sự là người có khả năng chữa bệnh. Trong sự phát triển của y học hiện đại, cả hai bằng cấp này được dạy chung với nhau và học viên có thể thu thập đủ kiến thức để điều trị bệnh cũng như phẫu thuật sau khóa học.
Ngoại khoa cơ sở do tập thể giảng viên giàu kinh nghiệm và tâm huyết của Bộ Môn Ngoại, Trường Đại học Y Hà Nội biên soạn. Sách cung cấp các kiến thức cơ sở về triệu chứng học Ngoại khoa, chủ yếu làm tài liệu tham khảo cho sinh viên Đa khoa các năm đầu đi lâm sàng.