Thế kỷ XX và những năm đầu của thế kỷ XXI đã chứng kiến sự bùng nổ về mặt khối lượng kiến thức Y học, tạo nên bước phát triển nhảy vọt trong khoa học sức khoẻ nói chung và lĩnh vực nghiên cứu khoa học sức khoẻ nói riêng. Nhiều mô hình và phương pháp nghiên cứu đã được phát triển và ứng dụng trong nghiên cứu y học cơ bản và lâm sàng, góp phần vào việc tìm ra các phương pháp dự phòng và điều trị bệnh tật một cách hiệu quả.
Tại các khu vực khác nhau trên thế giới và các vùng miền trong từng quốc gia, các vấn đề sức khoẻ và mô hình bệnh tật cũng có nhiều khác biệt. Bên cạnh những bệnh tật phổ biến như nhiễm trùng, dinh dưỡng, cùng với sự phát triển và sự biến đổi khá nhanh chóng của các điều kiện kinh tế, xã hội, văn hoá, môi trường, tiến trình đô thị hoá và toàn cầu hoá đã tạo nên nhiều vấn đề sức khoẻ có tầm quan trọng ngày càng tăng như bệnh lý tim mạch, chuyển hoá, ung thư, tai nạn, các bệnh mãn tính và thoái hoá… Áp dụng các phương pháp, kỹ thuật nghiên cứu khoa học sức khoẻ một cách đúng đắn trong mỗi điều kiện cụ thể sẽ giúp hiểu biết đầy đủ về các vấn đề sức khoẻ đó và tìm ra được các biện pháp can thiệp hữu hiệu để điều chỉnh chúng.
Cuốn sách Phương pháp nghiên cứu khoa học sức khoẻ bao gồm 20 bài được biên soạn để giảng dạy cho học viên Sau đại học ngành Y – Dược học. Cuốn sách được biên soạn bởi PGS.TS Phạm Văn Lình và PGS.TS Đinh Thanh Huề, là các giảng viên có nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực này cũng như có nhiều thâm niên giảng dạy Đại học và Sau đại học về chủ đề này. Trong lần tái bản lần thứ nhất này, tác giả có chỉnh sửa bổ sung một số nội dung để nhằm đáp ứng yêu cầu học tập và nghiên cứu ngày càng cao của sinh viên và học viên Sau đại học.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cuốn sách này đến quý đồng nghiệp, các sinh viên và các học viên Sau Đại học ngành Y – Dược và các độc giả quan tâm để hiểu lĩnh vực khoa học sức khỏe với hy vọng cuốn sách này sẽ phục vụ hữu ích cho công tác giảng dạy và học tập về nghiên cứu khoa học sức khoẻ.