Tia X và bức xạ gamma từ các nguồn phóng xạ kín như Radium, Cobalt…. đã được ứng dụng vào y học từ lâu kể cả ở nước ta. Việc sử dụng các đồng vị phóng xạ có thời gian bán rã ngắn ở dạng nguồn hở vào y học đã như là một cuộc cách mạng trong y học. Dựa vào những đặc điểm của đồng vị phóng xạ là chuyển hoá như các đồng vị bền của cùng nguyên tố đó, lại phát ra bức xạ ion hoá có thể ghi đo được, người ta đã có thể thăm dò chức năng, định vị, ghi hình, định hướng được nhiều hợp chất sinh học, tế bào, cơ quan của cơ thể. Ngoài việc dùng các bức xạ gamma hoặc bêta có năng lượng lớn để điều trị chiếu từ ngoài vào hay áp sát các mô bệnh, ngày nay có thể đưa các dược chất phóng xạ ở dạng nguồn hở vào bên trong mô, cơ quan để tiêu diệt tế bào bệnh. Do vậy gần 50 năm nay xuất hiện một chuyên ngành mới là y học hạt nhân (YHHN) (Nuclear Medicine)
Y học hạt nhân có 4 nội dung chủ yếu sau đây:
– Thăm dò các chức năng của tế bào, mô, cơ quan của cơ thể bao gồm cả hấp thụ, đào thải, chuyển hoá, v.v.
– Định vị và ghi hình phóng xạ. Hình ảnh thu được nhờ các bức xạ phóng ra từ dược chất phóng xạ đã được tế bào, mô hấp thụ vào đó. Sự hấp thụ đó tùy thuộc vào trạng thái sinh lí và bệnh lí của chúng. Do vậy hình ảnh thu được trong ghi hình phóng xạ là hình ảnh chức năng (functional image) chứ không phải chỉ là hình ảnh thay đổi cấu trúc (structural image) như trong các kĩ thuật ghi hình khác (tia X, siêu âm, cộng hưởng từ…)
– Định lượng các hợp chất sinh học theo nguyên lí phản ứng miễn dịch bằng các hợp chất đánh dấu phóng xạ: RIA và IMRA. Định lượng này giúp cho chẩn đoán bệnh và nghiên cứu y sinh học.
– Điều trị bệnh bằng các nguồn phóng xạ hở.
Hiện nay trong các sách vở và tạp chí y học tiên tiến xuất hiện thường xuyên các kĩ thuật y học hạt nhân. Tuy có nhiều khó khăn, nhưng ngành y học hạt nhân ở nước ta cũng đã có đủ cả 4 nội dung chủ yếu của chuyên khoa đó và đã có một mạng lưới hơn 20 cơ sở rộng khắp cả nước, sử dụng các đồng vị phóng xạ vào chẩn đoán, điều trị và nghiên cứu y học.
Vì vậy việc đưa y học hạt nhân vào chương trình bậc đại học và sau đại học ở nước ta đã được thực hiện từ lâu với trường đại học y khoa Hà Nội ở vị trí tiên phong. Chương trình y học hạt nhân của trường chủ yếu dành cho các đối tượng trên đại học ở các chuyên ngành liên quan. Ở bậc đại học do số giờ không nhiều nên chúng tôi xây dựng một nội dung hữu ích và ngắn gọn. Do vậy tính hệ thống và chi tiết có bị hạn chế. Mục tiêu đề ra là làm cho người thầy thuốc có được hiểu biết cần thiết về một khả năng ứng dụng bức xạ ion hoá vào công việc hàng ngày để lựa chọn và sử dụng khi có điều kiện. Hơn nữa qua chương trình này, họ có thể học tập vươn lên và tiếp cận dễ dàng với nền y học tiên tiến của thế giới.
Cuốn sách giáo khoa này được biên soạn trong bối cảnh như vậy. Nó có 5 bài bao gồm các nội dung chính và thiết thực của y học hạt nhân: