Kiến thức về đông máu (bao gồm các quá trình cầm máu, đông máu và tiêu fibrin) là rất cần thiết không chỉ trong chuyên khoa huyết học, mà cả trong nhiều chuyên khoa khác như: tim mạch, tiêu hoá, ngoại khoa, nhi khoa, truyền nhiễm, lão khoa, ung thư… Bởi vậy đông máu luôn chiếm vị trí quan trọng trong hành trang kiến thức của các thầy thuốc. Với sự tiến bộ như vũ bão của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là những kỹ thuật Y học nên hiện nay kiến thức về đông máu đã được bổ sung và đổi mới rất nhiều.
Qua học tập và trao đổi với các đồng nghiệp, đồng thời với sự cố gắng tìm tòi, tham khảo các tài liệu về đông máu trong nước và nước ngoài; trên cơ sở có tính đến những nhu cầu trong thực hành và giảng dạy, PGS.TS. Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã biên soạn cuốn sách “Đông máu ứng dụng trong lâm sàng” Trong đó:
– Tác giả đã dành một phần thích đáng để trình bày những vấn đề cơ bản về lý thuyết các quá trình cầm máu, đông máu và tiêu fibrin.
– Phần chính của cuốn sách đã để cập đến những vấn đề rất thiết thực của đông máu ứng dụng, như: Cách phân tích và đánh giá các xét nghiệm đông máu; Chỉ định xét nghiệm đông máu họp lý; Cách kiểm tra tình trạng đông máu trước phẫu thuật; Cách dùng và đặc biệt là cách theo dõi bằng các xét nghiệm đông máu trong điều trị các thuốc chống tiêu fibrin; heparin, warfarin, streptokinase, urokinase, t-PA; aspirin…Hội chứng đông máu rải rác trong lòng mạch (DIC) cũng đã được trình bày một cách rất chi tiết trong cuốn sách này.