Chấn thương mắt là một trong những nguyên nhân quan trọng gây mù loà. Trong thời gian vừa qua nhờ những tiến bộ về khoa học kỹ thuật (như các phát minh ra những chất lỏng và chất khí PFC, SF…Có thể bơm vào nội nhãn, phương pháp chụp tia X cắt lớp để phát hiện dị vật trong nhãn cầu…) mà người ta đã làm giảm được tỷ lệ cắt bỏ nhãn cầu sau chấn thương một cách đáng kể.
Cuốn sách “Phẫu thuật xử trí chấn thương nhãn cầu” gồm có 3 phần:
– Phần I: Đụng giập mắt bao gồm: đụng giập mi mắt, kết mạc, màng bồ đào… Những tổn thương này chỉ được mô tả một cách sơ lược cùng vói cách xử trí bước đầu; còn đi sâu giải quyết từng trường hợp cụ thể như vỡ củng mạc, rách giác mạc,kẹt mông mắt… thì xem ở phần III.
– Phần II: Vết thương nông của nhãn cầu gồm: vết thương làm rách kết mạc, xước giác mạc, dị vật ở giác mạc, kết mạc; những tổn thương nông của nhãn cầu phần lớn mau lành và đôi khi không để lại sẹo; cũng nên nhớ rằng thương tích nhỏ này nếu không được điều trị đúng thì có thể dẫn đến kết quả xấu.
– Phần III: Chấn thương xuyên nhãn cầu. Đây là phần trọng tâm của quyển sách này. Nó mô tả tương đối đầy đủ những vết thương xuyên nhãn cầu. Từ vết rách giác mạc đến bong võng mạc, từ dị vật nội nhãn đến lỗ hoàng điểm… đồng thời cũng nêu rất chi tiết những phương pháp xử trí đối vói từng loại thương tổn của mắt.