Lời nói đầu:
Viêm mũi dị ứng (allergy rhinitis – AR) là một bệnh viêm của niêm mạc mũi, gây ra bởi một phản ứng qua trung gian IgE ở các đối tượng dị ứng. Đối tượng dị ứng là những người có sự mất cân bằng giữa các phenotyp lympho bào Th1 và Th2 theo hướng lympho bào Th2 (Romagnani, 2000). Nói cách khác, do cơ sở di truyền và do các yếu tố môi trường, những đối tượng atopi sản xuất một lượng lớn hơn các cytokine “dị ứng” (như IL-4 và IL-5) so với những những đối tượng không dị ứng (Holt, 2000; Larcho, 2003); các cytokine này gây ra sự hoạt hóa bạch cầu ái toan, từ đó, gây ra sự chuyển isotype sang sản xuất IgE.
Trong thập kỷ qua, viêm mũi dị ứng đã trở thành một vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Viêm mũi dị ứng làm giảm chất lượng cuộc sống, mất năng suất lao động, giảm khả năng học tập, chi phí tốn kém để điều trị; thậm chí ở trung và hạ lưu tiến triển thành hen. Người ta ước tính, vào năm 2025, có khoảng 400 triệu người sẽ bị hen dị ứng và 500 triệu người viêm mũi dị ứng; nó có thể xảy ra không chỉ ở các nước phát triển, mà cả ở các nước đang phát triển. Điều trị miễn dịch đặc hiệu (specific immunotherapy – SIT) đã được sử dụng trong lâm sàng từ một thế kỷ nay và sự hiệu quả của nó (giảm triệu chứng và giảm nhu cầu sử dụng thuốc kiểm soát triệu chứng) đã được chứng tỏ một cách rõ ràng trong dị ứng hô hấp (Abramson, 2005; Calamita, 2006; Penagos, 2006; Calderon, 2007). Các cơ chế tác động quan trọng nhất đã được làm sáng tỏ bằng thực nghiệm của SIT liên quan đến sự ức chế huy động tế bào đến vị trí phản ứng dị ứng, làm chuyển hướng miễn dịch theo hướng phenotype Th1 và hoạt hóa một số tiêu quân thể tế bào điều tiết T.
Công trình nghiên cứu trong cuốn sách này đề cập sâu hơn về vai trò của IgE và các kết quả nghiên cứu của chúng tôi về điều trị miễn dịch đặc hiệu bằng một số dị nguyên phổ biến, với mong muốn góp phần trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bị viêm mũi dị ứng tại Việt Nam.