Lời nói đầu
Nhân sâm đã được biết đến hàng trăm năm nay với tác dụng hồi phục sự suy giảm chức năng, đưa mọi hoạt động của cơ thể trở lại bình thường, mà y học cổ truyền gọi là “hồi dương”. Nhân sâm còn có các tác dụng đại bổ nguyên khí, phục mạch, cố thoát, sinh tân, an thần, bổ tỳ, ích phế. Sách Bản kinh của Trung Quốc còn ghi nhân sâm chủ bổ ngũ tạng, chỉ kinh quý, trừ tà khí, minh mục, khai tâm, ích trí.
Hiện nay, với phát triển của khoa học và công nghệ, sâm Việt Nam đã được chứng minh ngoài tác dụng bổ dưỡng còn có nhiều tác dụng rất đáng ghi nhận khác như: kích thích hoạt động não bộ, nội tiết tố sinh dục, tạo hồng cầu và hemoglobin, kháng khuẩn đặc hiệu với chủng Streptococcus, chống oxy hoá, chống lo âu, chống trầm cảm, bảo vệ gan, giảm cholesterol và lipid máu, hạ glucosa huyết, điều hoà tỉm mạch, điều hoà miễn dịch và phòng chống ung thư.
Như vậy, sự phát hiện loài sâm đặc hữu Việt Nam này vào lúc 16 giờ ngày 19 tháng 3 năm 1973 tại vùng Ngọc Lây, Đắc Tô, Kontum do dược sỹ Đào Kim Long và Đoàn điều tra dược liệu Ban Dân y, Quân khu 5, đã được ghi nhận như một sự kiện đáng nhớ của chuyên ngành Dược liệu nói riêng và ngành Dược nói chung. Tiếp nhiều năm sau đó là sự lao động miệt mài của rất nhiều cán bộ khoa học tại Trung tâm Sâm và các viện, trường trong và ngoài nước, nghiên cứu về thực vật, kỷ thuật trổng và tái sinh, hoá học và đánh giá tác dụng sinh học của loài sâm quý và đặc hữu của Việt Nam. Chúng tôi cố gắng tập hợp và thống kê một số kết quả nghiên cứu trong hơn 30 năm qua của nhiều thế hệ cán bộ khoa học. Song, không tránh khỏi thiếu sót. Mong bạn đọc góp ý, bổ sung để lần xuất bản sau được đầy đủ, tốt hơn.