Sự xuất hiện, gia tăng và lan rộng các vi khuẩn gram dương kháng thuốc như MRSA, VRE hoặc các vi khuẩn gram âm tiết beta-lactamase phổ rộng (ESBL) như E. coli, Klebsiella sp., Enterobacteriaceae các vi khuẩn gram âm không lên men đa kháng (MDR) như Pseudomonas aeruginosa, Acinetobacter baumanii đang là mối quan tâm toàn cầu hiện nay. Sử dụng kháng sinh thích hợp dẫn đến kết quả ngoạn mục, điều trị khỏi nhiễm khuẩn nhanh chóng. Điều trị kháng sinh không thích hợp gồm cả việc điều trị không đủ liều, lạm dụng kháng sinh là một thực tế đang diễn ra hàng ngày làm tăng gánh nặng chi phí cho bệnh viện, tăng tần suất các phản ứng ngoại ý của thuốc, giảm hiệu quả điều trị mà một số các trường hợp dẫn đến tử vong, đồng thời làm gia tăng tỉ lệ đề kháng kháng sinh của vi khuẩn.
Chương trình quản lý kháng sinh (Antimicrobial stewardships) tại bệnh viện Chợ Rẫy đã được thiết lập để tối ưu hiệu quả điều trị trong việc sử dụng kháng sinh, giảm thiểu độc tính và các biến cố bất lợi khác của thuốc, giảm chi phí chăm sóc y tế do nhiễm khuẩn và hạn chế sự chọn lọc các dòng vi khuẩn kháng thuốc.
Để thực hiện hiệu quả chương trình quản lý kháng sinh, dựa trên cơ sở số liệu vi sinh học của bệnh viện năm 2012, cùng với việc phân tầng nguy cơ nhiễm khuẩn đa kháng trên bệnh nhân; quyển Hướng Dẫn Sử Dụng Kháng Sinh được biên soạn với 5 phác đồ điều trị của các loại nhiễm khuẩn thường gặp tại các khoa ICU, khoa cấp cứu và các khoa lâm sàng gồm: nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn ổ bụng, nhiễm khuẩn da và mô mềm đồng thời cập nhật các phác đồ kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật với mong muốn giúp các bác sĩ chọn lựa, sử dụng kháng sinh hợp lý để điều trị bệnh nhiễm khuẩn một cách tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, tiết kiệm chi phí và giảm đến mức thấp nhất khả năng đột biến kháng thuốc của vi khuẩn.